Chỉ một chữ “hiếu thảo” đó, thật khó nói cho hết ý nghĩa! Kinh Thi có câu rằng: “Muốn báo đáp hết ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức ấy thật mênh mông rộng lớn như trời cao không cùng tận.” Quả thật, con cái báo đáp công ơn cha mẹ, bất luận như thế nào, liệu có thể vượt quá trời cao được chăng? Sách vở từ xưa nay khuyên dạy, khuyến khích sự hiếu thảo thì hiện có rất nhiều, nay chỉ đơn cử những trường hợp ít thấy, hiếm nghe nói đến mà thôi.

Người ta nếu không biết có đời sau, không tin nhân quả, thật cũng giống như người mù không thể nhìn thấy, người điếc không thể nghe được âm thanh. Người như vậy quả thật là hạng thứ dân cùng khổ mà không thể kêu cầu với ai được cả. Vì sao vậy? Tự mình không biết có đời sau, tất nhiên cũng không biết cha mẹ mình còn có đời sau, nên dù có hết lòng thương yêu báo đáp song thân, chẳng qua cũng chỉ là trong một thời gian tạm thời, ngắn ngủi mà thôi. Tự mình không tin nhân quả, đương nhiên cũng không biết rằng cha mẹ sau này còn có nhân quả, nên dù có muốn vì cha mẹ mà dứt trừ khổ não, chẳng qua cũng chỉ làm được đôi điều nhỏ nhặt, giới hạn mà thôi.

Có lần tôi nhìn thấy gà mẹ che chở cho đàn con mà thường lấy đó làm bài học nhắc nhở, tự cảnh tỉnh mình. Khi gà mẹ giương cánh che chở bảo vệ đàn con, quả thật tình cảm mẹ con lúc ấy sâu đậm lắm. Thế mà trải qua một thời gian rồi thì lần lượt bị người giết hại, khiến cho mẹ con chẳng còn có dịp gặp lại nhau.

Chúng ta làm người thật ra cũng không khác mấy. Cha con, vợ chồng đang lúc cùng nhau sum họp, quả thật rất khó lòng chia cắt, lìa xa nhau. Nhưng một khi đến lúc sinh tử phân ly, thân mang bệnh khổ đớn đau, thì dù là người thân thiết nhất cũng không thể thay mình chịu đựng; cho đến bao nhiêu nghiệp ác đã tạo, cũng không ai có thể thay mình gánh chịu. Thậm chí đến lúc xả bỏ thân này đi vào cảnh giới trung ấm, đối mặt với ngàn vạn điều thống khổ, thì nơi chốn dương gian có thể là những người thân của ta trong gia đình lại đang cùng nhau mừng vui yến ẩm. Chăn mền còn đó, dẫu có muốn sớm chiều tận tâm chăm sóc cũng không còn được nữa; món ngon vật lạ không biết dâng ai, dù học theo Vương Tường “nằm băng bắt cá” nào có ích gì? Người xưa nói rằng: “Người con hiếu không thể chịu được việc cha mẹ chết mất.” Như thế chính là cha mẹ của ta thật ra chưa từng chết mất. Nói như thế lẽ đâu lại chỉ là chuyện hư dối sao?

Đức Phật dạy rằng: “Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, người thế gian không thể báo đáp hết được. Ví như có người đặt cha lên vai trái, đặt mẹ lên vai phải, rồi đi như thế trong trăm năm, lại dâng lên cha mẹ đủ mọi nhu cầu, cũng không báo đáp hết được công ơn cha mẹ.” Như vậy, nếu chỉ theo những phương cách của thế tục thì dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể báo đáp được hết công ơn cha mẹ! Do đây mà suy xét, có thể biết chắc rằng trong đạo Phật nhất định phải có phương cách hoàn hảo để giúp người báo đáp công ơn cha mẹ.

Trích từ An Sĩ Toàn Thư

CHIA SẺ
Bài viết trướcCần Tiếp Nhận Sự Giáo Dục Của Nhà Nho Và Phật Pháp
Bài viết tiếp theoDạy Con Gái Là Cái Gốc Để Tề Gia Trị Quốc
Cảnh sắc biến đổi, con người biến đổi theo luật tuần hoàn. Ngày sang ngày, trẻ sang già. Còn đạo đức không bao giờ già, trước sau cổ kim vẫn không thay đổi, như như bất tử. Người có đạo đức càng lớn thì ngôi vị càng cao. Sự nghiệp đạo đức là sự nghiệp vĩnh hằng. Sự nghiệp vật chất dù to lớn đến đâu cũng không bằng được mảy lông sợi tóc sự ngiệp đạo đức. (Long Hoa Thi Tập Lửa Thiên, Văn Hóa Cội Nguồn)

HỒI ĐÁP