“Đứa bé sẽ chịu ảnh hưởng từ những ý niệm của người mẹ trong thời gian mang thai”
Này các bạn thiện tri thức, hôm nay chúng ta tụ tập trong căn phòng lớn này để bàn luận về giáo dục. Giáo dục là nền tảng của tất cả mọi người, nếu chúng ta xem thường vấn đề căn bản này tức là chúng ta đang bỏ cái gốc để tìm ngọn, bỏ cái gần để tìm cái xa.
Sự giáo huấn bắt đầu từ khi chúng ta sanh ra, những gì ta thấy và nghe sau khi ra đời, nó sẽ uốn nắn cách xử sự của chúng ta trong cuộc sống. Do đó tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chẳng những sự giáo dục có ảnh hưởng đến con người sau khi sanh mà thậm chí ngay cả lúc còn trong bụng mẹ. Thí dụ, nếu người mẹ là một người thông minh hiểu biết thì điều này cũng ảnh hưởng tốt đến đứa bé, làm cho nó sẽ trở thành khôn ngoan và hiếu học. Nếu một người mẹ thường hay nóng giận trong khi có thai, thì đứa bé chắc chắn cũng sẽ nóng tánh sau này. Nếu người mẹ thường hay cứng đầu, không chịu nghe lời chỉ dạy của bất cứ ai, con của cô ta cũng sẽ trở nên khó dạy, muốn làm gì thì làm. Cho nên, sự giáo huấn cho thai nhi rất là quan trọng.
Người phụ nữ là mẹ của tất cả công dân, vì thế họ là nền tảng của quốc gia. Với một vai trò quan trọng như thế trong xã hội, tất cả người nữ cần học cách thức giáo dục con cái, và trách nhiệm đó bắt đầu ngay từ lúc có thai. Trong thời gian mang thai, ngưoi nữ không nên tranh, cũng không nên tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi hoặc nói dối. Bởi một người mẹ có những hành động như trên thì sẽ khiến con của cô ta cũng có những tư tưởng và hành vi giống vậy. Cho nên lớn lên nó sẽ không trở thành một người công dân tốt đuợc. Do đó các bậc phụ huynh cần chú ý điểm này và nên dạy dỗ con mình ngay từ lúc còn trong bụng mẹ.
Làm cha mẹ thì phải nêu gương tốt cho con, chớ nên thường xuyên tranh cãi, hoặc ích kỷ tự lợi, tham lam hay dối trá. Điều này rất quan trọng vì con cái sẽ quan sát và bắt chước theo cha mẹ chúng. Thật vậy, con nít rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh, thí dụ như khi học nói, chúng theo dõi cách người lớn nói chuyện rồi từ từ bắt chước theo đó mà nói. Cho nên các vị phụ huynh không nên nói là họ chỉ có thể sanh con chứ không thể dạy con đuợc. Khi sanh ra một đứa con, quý vị đa đem lại cho đất nước này một người công dân mới. Nhưng nếu không biết dạy dỗ con mình tốt, như vậy đã không hoàn thành trách nhiệm của mình đối với tổ quốc và xã hội. Nói cách khác, nếu đứa bé lớn lên trở thành một phần tử xấu, có thể gây ra nhiều tai hại cho quốc gia và xã hội thì quý vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì đã không dạy dỗ chúng nên người.
Cho nên, làm cha mẹ thì nên đặt sự giáo dục con mình lên hàng đầu thay vì chỉ chú trọng đến việc kiếm tiền và theo đuổi danh vọng. Quý vị nên xem vấn đề giáo dục là nhiệm vụ quan trọng nhất, vì nếu có thể dạy con tốt thì điều đó rất quý, có giá trị hơn việc kiếm nhiều tiền bạc cho chúng. Bởi nhờ sự giáo dục đứng đắn, bọn trẻ lớn lên sẽ biết cách làm người ngay thẳng, và cũng biết cách bảo trọng thân thể chúng. Do đó trong thời gian thơ ấu trước khi đi học, cha mẹ chịu trách nhiệm dạy dỗ con mình trong lúc này.
Sau khi vào trường, các bậc thầy cô là những hình ảnh gương mẫu đối với học sinh. Dưới sự chỉ dạy minh bạch của thầy cô, các em sẽ học cách phát triển nhân cách và đức hạnh. Các em sẽ học cách hiếu thuận đối với cha mẹ và cung kính với các vị cao niên. Ngay từ đầu các thầy cô nên dạy các em về hiếu hạnh. Tại Vạn Phật Thánh Thành, ở trường tiểu học, các em đều đuợc giáo huấn về đạo hiếu, đuợc dạy phải thuận lời cha mẹ, thường xuyên phụ giúp trong gia đinh, khiến cho các vị phụ huynh đều rất vui lòng.
Với các vị thầy cô, những người lấy giáo dục làm nghề nghiệp, họ nên gánh vác trọng trách huấn luyện và rèn đúc trẻ em. Họ nên dạy các em học sinh không hút thuốc, không uống rượu, không dùng các độc dược hay thuốc phiện, nhứt là không nên có những quan hệ bất chánh với người khác phái.