Đệ Tử Quy có câu: “Đọc thư pháp, hữu tam đáo. Tâm nhãn khẩu, tín giai yếu.” Nghĩa là “Phương pháp đọc sách phải chú ý tới ba điều, gọi là “ba tới” (tam đáo). Tới tâm, tới mắt, tới miệng. Ba thứ này thiếu một thì không được. Có như vật mới đạt được hiệu quả ‘học một hiểu mười’. Đối với lời dạy của thánh hiền, chúng ta phải tin sâu mà y giáo phụng hành, điều này rất quan trọng.”
Hòa thượng Tuyên Hóa học bài một ngày là thuộc, còn các bạn khác học 20 ngày cũng chưa xong. “Tam đáo” Ba Tới và “Tam Thượng,” Ba Trên là bí quyết học bài của Ngài. Ngài chuyên tâm học bài, vốn hợp cùng sách là một, cho nên học rất nhanh, ghi nhớ rất mau.
Hòa Thượng kể:
“Phương pháp học bài, có “Ba Tới”; đó là mắt, tai, miệng, các vị phải tin vào ba chỗ chủ yếu này.” Sao gọi là “Ba Tới?” Tức là tới mắt, tới miệng, tới tâm; khi tới ba chỗ này rồi thì không khởi vọng tưởng mà chuyên tâm học bài. Nói rõ hơn là: mắt nhìn bài, tâm tưởng về bài học và miệng đọc bài học đó. Đây, tuy ba mà một, tuy một mà ba. Tâm, mắt, miệng hợp tác với nhau gọi là Ba Tới; tất cả cần phải chuyên nhất, bởi “chuyên nhất tất linh nghiệm, phân tán tất tệ hại.”
Lại còn có “Ba Trên”, đó là trên đường, trên cầu và trên gối. Đang lúc đi trên đường, mắt nhìn con đường, trong tâm nhẩm bài học, miệng đọc bài học, đọc đi đọc lại vài lần cho đến khi thật sự thuộc làu và mỗi ngày cũng phải ôn lại bài học một, hai lần; được như vậy vĩnh viễn sẽ không bao giờ quên. Đây gọi là trên đường. Lại còn trên gối, tức là lúc đi ngủ thì không nghĩ tưởng gì khác mà chỉ nghĩ đến bài học nói gì, rồi tự nghĩ: Người xưa đã lưu lại sách vở làm phép tắc cho người đời sau, vậy tôi có thể nào y theo phép tắc đó không? Tôi có thể nào bắt chước được không? Tôi học sách gì, tôi đều tự nghĩ xem mình có thể làm được như vậy không? Tôi nhủ thầm: Sau này tôi nhất định phải thực hành đúng theo câu nói đó cho bằng được, tôi phải làm đúng như vậy! Rồi tôi hòa nhập những lời dạy trong sách với sự suy tưởng của mình, vậy là tôi học thuộc ngay. Đọc tới bất cứ đoạn nào trong bài, tôi đều hướng cả thân tâm tánh mạng mình vào những lời dạy bảo đó.
Ngoài ra, trên cầu tiêu là chỗ học bài mau nhất. Tuy trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng là lúc rất dễ ôn bài, nhớ không ra cũng nhớ ra. Tại sao thế? Vì đây là một loại tam muội. Lúc đó vọng tưởng gì cũng không có, nếu các vị chuyên tâm học bài thì sẽ nhớ hết tất cả! Ngay cả thời gian như thế tôi cũng không bỏ qua. Dù là trẻ em thông minh, nhưng một khi lìa sách vở tức chúng sẽ quên hết. Khi biết được phương pháp này, tôi cùng sách vốn hợp thành một, do đó học rất nhanh, nhớ cũng mau, nhờ vậy tôi học qua Tứ Thư, Ngũ Kinh một lần là nhớ hết toàn bộ.
Vị Thầy sau cùng của tôi là thầy Quách Cẩm Đường, tự là Như Phần là vị thi đỗ Tú Tài, người Sơn Đông có học vấn cao. Thầy thấy tôi học bài rất nhanh nên hễ Thầy đọc sách nào là Thầy cho tôi xem sách ấy. Thầy giảng tới đâu là tôi hiểu tới đó, nên tôi học càng dễ hơn. Thí dụ như “Báo Nhiệm Thiểu Khanh Thư” là một bài cổ văn dài nhất, đại khái gồm hơn 2300 chữ. Thầy giáo đọc một đêm mới học thuộc bài văn này. Thầy kể cho tôi nghe Thầy học thuộc bài văn đó ra sao, học mau thuộc như thế nào, rồi bảo tôi: “Giờ tới phiên con đấy!” Lúc đó vừa ăn cơm trưa xong, chúng tôi được ngủ trưa một tiếng đồng hồ. Nhưng tôi không ngủ trưa, dùng một tiếng đồng hồ đó để đọc bài văn chương này. Bài văn này quả thật khó thuộc, nhưng tôi rất chuyên nhất, xem qua hai lần là tôi đã thuộc lòng. Ngày thứ hai, tôi trả bài cho Thầy nghe khiến ổng thất kinh, nói: “Con…. , Thầy phải học nó cả một đêm, thế mà con thì chỉ cần một tiếng mấy là thuộc rồi!”
Khai Mở Trí Huệ
Thôn lân cận có một chú học trò họ Đường 14 tuổi, thân nhiều bịnh tật, đầu óc cũng không được sáng suốt, học bài hoài mà không thuộc, cha mẹ em và thầy giáo cũng đều chịu thua. Em nghe bà con trong thôn xóm tán thán Hòa Thượng trí huệ siêu phàm, nên sanh tâm kính mộ. Có một hôm, em rủ bạn học tất cả 16 đứa, hẹn nhau đến gặp Hòa Thượng, cầu xin quy y Tam Bảo, bái Hòa Thượng làm Thầy, và khẩn cầu Hòa Thượng từ bi, khai mở trí huệ cho các em học bài mau thuộc. Hòa Thượng từ bi truyền dạy pháp học thuộc bài: “Ba tới: tới mắt, tới miệng, tới tâm” và “Ba trên: trên đường, trên cầu, trên gối”, bọn học trò nghe lời dạy, hết lòng lãnh hội. Sau khi trở về, quả nhiên chúng đều khai mở trí huệ. Cha mẹ cùng thầy giáo đều khó tin về sự tiến bộ của bọn chúng. Từ đó bọn học trò cầu xin quy y Hòa Thượng ngày càng thêm nhiều.