[Hỏi] Bây giờ bài tập của con trẻ rất nhiều, mỗi ngày đều làm bài tập đến rất trễ, không sắp xếp được thời gian cho con trẻ học “Đệ Tử Quy”, như vậy phải làm sao?
[Đáp] Học “Đệ Tử Quy” quan trọng nhất là cảnh giáo. Toàn bộ hoàn cảnh của chúng ta sẽ khiến trẻ nhỏ cảm nhận được chính là “Đệ Tử Quy”. Tôi có một lần đến Malaysia, gặp được con cháu đời sau của đức Khổng Tử, cô ấy lớn lên ở Hàn Quốc, là một người phụ nữ. Cô ấy nói cô chưa từng đọc “Đệ Tử Quy”, nhưng mà khi cô vừa lật xem “Đệ Tử Quy” thì từng cảnh một của các trưởng bối cứ hiện ra trong đầu của cô ấy, toàn bộ đều là “Đệ Tử Quy”. Khi cô ấy đọc “Đệ Tử Quy”, toàn bộ đều là hình ảnh khi cô còn nhỏ. Bạn xem con cháu đời sau của đức Khổng Tử tốt biết bao, cô ấy chưa từng đọc qua nhưng toàn bộ đều lãnh hội được.
Cho nên “Đệ Tử Quy” không phải dành cho trẻ nhỏ học, “Đệ Tử Quy” là để người lớn thực hành cho trẻ nhỏ xem, khiến cho trẻ nhỏ cảm thấy làm người nên là như thế. Hai ba đời này của chúng ta mất đi sự giáo dục, lớn tuổi như thế này mới bắt đầu học “Đệ Tử Quy”, nếu không trẻ nhỏ từ nhỏ được mưa dầm thấm lâu thì sẽ học được. Cho nên chúng ta phải “Thức dậy sớm, tối ngủ trễ”, chúng ta có làm được không? “Mũ quần áo, đặt cố định” chúng ta có làm được không? “Khi nói năng, trước tín nhiệm”, chúng ta thân làm cha mẹ đã làm được chưa? Tự nhiên mà trẻ nhỏ ở trong gia đình không lúc nào không đang học tập “Đệ Tử Quy”. Chứ không phải là chúng ta phải bắt lấy chúng: “Nào, mỗi ngày nửa tiếng đồng hồ, cha mẹ giảng “Đệ Tử Quy” cho con”. Đương nhiên nếu có thời gian thì có thể, khi không có thời gian thì càng quan trọng hơn đó là mỗi một chi tiết trong cuộc sống, đều là sự thể hiện của “Đệ Tử Quy”. “Đi thong thả, đứng đoan nghiêm”, mỗi một câu đều không thể rời xa cuộc sống của trẻ nhỏ.
Mà giáo viên thực sự thể hội được trẻ nhỏ hiểu chuyện rồi, khi động lực học tập của trẻ nhỏ là tâm hiếu nội tại và cảm giác sứ mệnh thì trẻ nhỏ không cần làm bài tập hay đọc sách tới khuya như vậy, ngộ tính của chúng sẽ sinh khởi, tình hình học tập sẽ tốt hơn. Sau khi tôi học tập văn hóa truyền thống, trí nhớ không hề bị giảm sút, còn nỗ lực duy trì. Cho nên tôi đang nghĩ, bây giờ giả sử tôi đi thi tiến sĩ, có khả năng có thể thi đậu. Tiềm lực của con người rất lớn, có vạn đức vạn năng. Nhưng mà tiềm lực của con người phải được khơi ra từ bản tính thiện lương nội tại, chứ không phải là do áp lực ở bên ngoài chèn ép. Chèn ép quá thì có một ngày chúng cũng không chịu nổi. Cho nên có rất nhiều người học rất nhiều rất nhiều… học rất cao, đến cuối cùng bị sụp đổ hoặc bị bật ngược trở lại, hoặc là sau khi kết hôn thì không nghe lời mẹ nữa, đó chính là tác dụng phụ của sự kiềm nén. Mà chúng ta làm thầy cô giáo thì phải hiểu được, nếu như cứ áp lực suốt, luôn thi cử đến cuối cùng sẽ có cảm giác kiệt sức, chưa chắc thi cử suốt thì thành tích sẽ tốt. Ngược lại nếu như thân tâm thoải mái, ngộ tính và trí nhớ của chúng đều tốt. Chúng ta nên nghiên cứu trạng thái học tập nào đối với đứa trẻ là tốt nhất, như vậy mới tốt.
Khi tôi đang học cấp 2 và cấp 3, nhất là khi học cấp 2, một ngày thi 4 đến 5 môn là bình thường, thi 7 đến 8 môn cũng là bình thường, nhưng mà khi thi cử như vậy có rất nhiều đứa trẻ sẽ ghét học tập. Rất nhiều bạn học của tôi có chỉ số IQ cao hơn 150, nhưng mà thầy cô giáo thường đánh họ, đánh đến nỗi sau đó họ ghét học tập, cao hơn 150 nhưng cuối cùng lại không thể tốt nghiệp cấp 3, không muốn học nữa, phản tác dụng. Tôi tin rằng mỗi một thầy cô giáo đều hi vọng học sinh của mình tốt, đánh chúng là vì muốn tốt cho chúng, nhưng mà chúng ta phải chú ý đến cảm nhận của trẻ nhỏ. Khi chúng đã không thể tiếp nhận được nữa, có thể sau cùng giữa đôi bên lại không vui vẻ gì. Chỉ số thông minh của tôi chỉ có 118, nhưng mà khi cảm nhận được thực sự có một nguồn động lực nội tại, tiềm lực có thể không ngừng được phát huy.