Có phải “hiếu” là do ai đó phát minh sáng tạo ra? Nhiều người sẽ nghĩ rằng “hiếu” là do Lão tử, Khổng tử, Đức Phật hay các bậc hiền triết xa xưa phát minh. Nếu nói ai đó phát minh thì lập tức có vấn đề rồi! Một số người sẽ bài xích: “Ô hay… Cái này của ông tàu, ông tây phát minh, tôi cần gì phải làm theo, bản thân tôi sáng tạo ra cái mới cũng được.” Kỳ thật các ngài không hề phát minh, sáng tạo ra “hiếu”. Vì “hiếu” là những gì tự nhiên nhất của trời đất, vũ trụ từ thuở khai thiên lập địa đến nay. “Hiếu” là tánh đức sẵn có của chúng ta mà!
“Hiếu” giống như mặt trăng mặt trời. Không ai sáng tạo ra mặt trăng mặt trời, cũng như vậy không sáng tạo ra “hiếu” cả. “Hiếu”, không phải là ai đó dạy, đây là trời sinh tự nhiên mà có. Từ thời điểm nào thấy được điều này? Em bé sinh ra được một trăm ngày, thường biểu lộ, tự nhiên biểu lộ ra. Bạn xem đứa trẻ nhỏ này, trẻ nhỏ ba bốn tháng, bạn tỉ mỉ đi quan sát nó, nó yêu thương đối với cha mẹ, cha mẹ yêu thương đối với nó, là không có điều kiện, là hoàn toàn tự nhiên. Trẻ nhỏ tuy không biết nói chuyện, bạn xem ánh mắt triều mến và biểu cảm của nó đối với cha mẹ, thì thấy được. Cho nên “hiếu” không đâu xa, ngàn vạn năm trước người xưa thấy được, chúng ta hôm nay cũng thấy được, ngay trước mắt. Bạn thấy không, em bé ba bốn tháng cũng biển hiện lòng hiếu một cách vô tư, con quạ con cũng biểu hiện lòng hiếu một cách vô tư khi mẹ chúng về già. Đây là tự nhiên chứ còn gì nữa…
Trái đất có quỹ đạo quay quanh mặt trời, mặt trăng có quỹ đạo quay quanh trái đất. Trái đất và mặt trăng điều có quỹ đạo riêng, vậy thì con người có quỹ đạo không? Chắc chắn là có vì con người là một tiểu vũ trụ thu nhỏ và con người có “quỹ đạo” quay quanh chữ “Hiếu”.
Chính nhờ trái đất và mặt trăng quay theo một quỹ đạo nhất định như thế cho nên trái đất và trăng mới có thể tồn tại phát triển trong suốt mấy tỉ năm qua mà không hề bị nổ tung hay va chạm với các hành tinh khác. Con người cũng vậy, nếu muốn đời sống được hạnh phúc yên vui thì con người phải quay đúng quỹ đạo của mình. Đó là quỹ đạo của sự hiếu thuận, hay còn gọi là đạo hiếu, đạo làm người. Nếu đi lệch quỹ đạo này thì bản thân ta sẽ gặp rất nhiều khổ đau và bất trắc trên đường đời. Chưa từng thấy đứa con bất hiếu nào mà có thể sống an ổn và cuối đời họ thường bị con cái bất hiếu lại. Những việc như thế chúng ta thấy quá nhiều rồi!