Thế giới tốt hay xấu là do gia đình mà ra. Gia đình giáo dục có nề nếp thì tương lai con cái sẽ xán lạn; còn gia đình không có nề nếp giáo dục thì tương lai con cái sẽ đen tối. Tuy không thể luận chi tiết nhưng đại khái thì thật trạng không sai lệch bao nhiêu; do vậy, kẻ làm cha mẹ phải cẩn thận trong mọi hành động, mọi việc làm, không thể tùy tiện muốn làm gì cũng được.

Nếu cha mẹ chẳng tự kiểm nghiệm hành vi hư xấu của mình thì rất dễ ảnh hưởng khiến con cái hư hỏng. Khi con cái thiếu giáo dục, tương lai chúng sẽ trở thành những phần tử xấu của xã hội, của quốc gia. Vì thế, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về giáo dục bằng cách “dĩ thân tác tắc,” tự làm gương cho con cái. Mỗi một hành động đều phải hết sức đứng đắn, sáng suốt; phải quên mình vì người và phải có lòng quan hoài kẻ khác. Con cái thấy tấm gương tốt như vậy thì tự nhiên noi theo để trở thành những công dân ưu tú, rồi tương lai góp sức an định xã hội, điều khiển đất nước.

Ðời nay, những kẻ thiếu hiểu biết đã làm những việc thật đáng phải kinh ngạc. Họ dụ dỗ những thanh niên nhẹ dạ vào đường sa đọa mà những thanh niên ấy chẳng hề hay biết, còn tự cho là mình làm chuyện đúng đắn. Nên có câu:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận,
Tái hồi đầu dĩ bách niên thân.

Dịch là:

Một bước sai đường, ngàn thu ôm hận,
Hối lỗi quay về, trăm tuổi đã qua!

Phong khí xã hội như vậy thật là xấu xa đến cực điểm. Nếu cha mẹ mà ty tiện, hạ lưu, thì con cái cũng thành hạ lưu, ty tiện. Phàm là kẻ tu Ðạo, học Phật, mình không nên a dua với kẻ xấu. Phải giữ thân thanh bạch, noi theo tác phong bậc chính nhân quân tử, hầu cải biến trào lưu xã hội đương thời. Các bạn nên biết an phận thủ thường, không tham gia vào những tổ chức bất lương, cũng không tán thành những chuyện hưởng thụ dục lạc không chính đáng. Như vậy mới gieo ảnh hưởng tốt, khiến kẻ khác cải tà quy chánh.

Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị

CHIA SẺ
Bài viết trướcCon Người Có Cần Trọn Đạo Hiếu Hay Chăng
Bài viết tiếp theoTrẻ Em Hư Hỏng Phát Sanh Từ Ðâu?
Cảnh sắc biến đổi, con người biến đổi theo luật tuần hoàn. Ngày sang ngày, trẻ sang già. Còn đạo đức không bao giờ già, trước sau cổ kim vẫn không thay đổi, như như bất tử. Người có đạo đức càng lớn thì ngôi vị càng cao. Sự nghiệp đạo đức là sự nghiệp vĩnh hằng. Sự nghiệp vật chất dù to lớn đến đâu cũng không bằng được mảy lông sợi tóc sự ngiệp đạo đức. (Long Hoa Thi Tập Lửa Thiên, Văn Hóa Cội Nguồn)

HỒI ĐÁP