Cho nên lần này tôi trăm nghe không bằng một thấy, không chỉ thân cận với thầy Vương Hy Hải, còn nghe thầy giảng 1 tiết học. Trong quá trình thầy giảng, 1 câu kinh cũng không có, nhưng mỗi 1 câu thầy giảng đều tương ứng với kinh văn. Tại sao tương ứng? Do kinh điển là tâm của thánh hiền nhân, biến thành ngôn ngữ mà nói ra, cho nên chỉ cần tâm cảnh của thầy tương ứng với thánh hiền nhân, những lời thầy nói ra nhất định sẽ tương ứng với kinh điển. Mặc dù thầy không có “Tử viết, Tử viết”, không có “Chu Tử trị gia cách ngôn”, nhưng thực sự, kinh điển cổ thánh tiên hiền không phải thầy phát minh sáng tạo, đó là thầy thực sự khế nhập với tâm cảnh đó rồi nói ra những lời như vậy, nhất định tương ứng với tâm này.

Thầy kể đến việc thầy chăm sóc cha mình, thầy chưa từng có 1 ý niệm rằng: “Mình phải ráng thêm tí nữa, mình phải ráng thêm tí nữa; mình thiệt là cực khổ, mình đã cố gắng lâu lắm rồi”. Thầy nói, ngay cả 1 ý niệm “cố lên” này thầy cũng không có, có “cố lên” tức là đã nghĩ tới bản thân mình rồi, “Mệt quá, mình phải cố lên, mình phải cố lên”, nghĩ đến mình rồi. Cho nên thầy chăm sóc cha mình, thân thể ngày càng mạnh khỏe, tại sao? “Học mà thực hành, chẳng phải vui lắm sao?”. Chúng ta rất có thể nghe được câu chuyện của thầy Vương Hy Hải rồi sẽ nói “Thầy ấy vất vả biết mấy, chắc chắn sống rất là mệt”, đó là suy nghĩ của chúng ta, do chúng ta không phải là hiếu tử chí hiếu, chúng ta hy sinh 1 chút là đã thấy không nỡ lòng rồi. Thầy là gì? Trút hết tất cả, không màng thân mình, không có ý niệm nào nghĩ tới mình, dùng tâm cảnh này đi chăm sóc cha mình. Cho nên người như vậy hết sức là hoan hỉ, tại sao? Hoàn toàn tương ứng với tánh đức của thầy. Thầy nói, thầy nhìn thấy cha mình ngủ rất an ổn, thầy hết sức vui mừng, do cuộc đời thầy đến từ cha thầy. Thầy nói, ngay cả ý niệm cố lên cũng không có, chỉ cần người làm con bắt đầu nghĩ “Mình đã bỏ ra nhiều như vậy, mình còn phải cố gắng bao lâu?”, lúc này sẽ kéo tới sự oán trách của họ cũng xuất hiện, lòng người bắt đầu đổi thay.

Cho nên cảm giác của tôi, thầy khế nhập điều gì? Trong lòng hiếu tử chỉ có cha mẹ, không có gì khác, thầy hoàn toàn không có những ý niệm khác, thầy chỉ niệm niệm nghĩ đến việc làm sao cho cha mẹ hoan hỉ, làm sao cho cha mẹ thoải mái. Mọi người từ đây nhớ lại nhị thập tứ hiếu, toàn là như vậy. Mọi người coi “Tử Lộ phụ mễ”, chúng ta chỉ nghĩ Tử Lộ cõng gạo đi 100 dặm, gạo đó nặng như vậy, khiêng trên người không biết đi đường cực nhọc cỡ nào. Đó là điều tôi nghĩ thôi. Còn Tử Lộ? Ông đâu có cực khổ? Ông khiêng đi rất là hoan hỉ, vừa khiêng vừa nghĩ “Khó khăn lắm mới kiếm được gạo trắng cho cha mẹ mình ăn”. Ông không có “tôi” nên không mệt. “Tôi mệt quá, tôi vất vả quá”, vất vả và mệt từ đâu tới? Tự tư tự lợi mà tới, từ cái “tôi” tới, không có “tôi” thì không có những điều đó.

Về sau Tử Lộ làm quan lớn, sơn hào hải vị, tất cả đồ ăn thịnh soạn bày trước mặt ông, ông chảy nước mắt ăn không nổi “Cha mẹ ta đã mất rồi, cơm canh thế này vẫn không thơm bằng gạo hồi ta khiêng trăm dặm, không ngon bằng cơm hồi đó”. Ông thấy cha mẹ ăn vui vẻ như vậy, ông cũng vui. Hiếu tử xưa nay đều như vậy, kể cả chúng ta xem “Kiềm Lâu nếm phân”, ông làm quan, rất không đơn giản, công danh lợi lộc người thế gian rất khó bỏ. Mọi người coi xã hội bây giờ, ai là đại ca? Trong nhà ai kiếm nhiều tiền nhất người đó là đại ca, ngay cả cha mẹ, trưởng bối cũng phải nể mặt họ, lâu lắm không về nhà thăm cha mẹ, “Bận làm ăn”, đây hình như đều biến thành cái cớ rất hợp lý. Đem tiền về nhà nhiều hơn mấy anh chị em khác, về nhà nói chuyện cũng rất lớn tiếng, đối với cha mẹ cũng ngạo mạn. Nhưng người xưa thì sao? Kiềm Lâu nằm mơ thấy cha mình bị bệnh, mơ thấy thôi chứ chưa chắc chắn, nhưng cha con giao cảm, liền từ quan không làm nữa, dùng tốc độ nhanh nhất để quay về nhà, quả nhiên cha ông đang sanh bệnh. Bác sĩ nói, trị được hay không chỉ cần nếm phân của ông ấy, nếu đắng thì còn cứu được, ngọt thì chắc là hết cứu được. Vừa nói xong, liền đi nếm thử phân, ông đâu có nghĩ tới mình? Còn sợ dơ? Không có suy nghĩ đó. Hiếu tử thực sự không có những ý niệm đó, mới gọi là hiếu tử. Kết quả vừa nếm thấy ngọt, liền ngay tối hôm đó khẩn cầu ông trời, nhường tuổi thọ của mình cho cha.

Thầy Vương Hy Hải, ngay hồi thầy hai ba chục tuổi, đúng lúc phát triển sự nghiệp của mình, thầy hoàn toàn không có những suy nghĩ đó, toàn tâm toàn ý chăm sóc cha mình. Và thầy chăm sóc cha mình, chăm sóc tới nỗi mỗi nét mặt của cha thầy đều biết ngay ông ấy cần gì, thậm chí có lần cha sốt cao, bác sĩ kiểm tra cách mấy cũng không tìm được nguyên nhân, thầy tự mình nằm mơ thấy mình leo cầu thang bị ngã xuống. Ngay cả nằm mơ thấy ngã xuống cũng liền nghĩ tới có liên quan với bệnh của cha, thầy nói ngã xuống vậy chắc chắn chân sẽ bị thương, thầy liền kiểm tra tỉ mỉ chân của cha mình, quả nhiên ở đó có 1 cái nhọt mủ, do chính chỗ đó mà phát sốt. Nếu như vẫn không tìm thấy, có thể cha thầy đã không qua khỏi.

Cho nên hiếu đễ chí thành thực sự sẽ cảm thông. Thầy giúp cha mình hút đờm, tôi chỉ nghĩ tới động tác đó đã thấy rất là khó, đúng chưa? Tôi nói 1 cái ống đưa vô cũng rất sợ cắm trúng khí quản của ông, quý vị nói tâm 1 hiếu tử nhu nhuyễn đến mức kiểm soát rất đúng mực, sau đó nắm đúng thời điểm mà hút đờm của cha mình ra. Do sợ cục đờm đó chặn ngay khí quyển thì sẽ ngưng thở. Mẹ thầy cảm thán nói: “Ngay cả tôi đối với chồng mình cũng không làm được như vậy”.

Cha của thầy Vương Hy Hải 20 năm đó da dẻ láng bóng. Có lần bác sĩ chẩn đoán cho cha thầy, hỏi thầy: “Cha anh trúng gió bao lâu rồi?”. Thầy nói hơn 10 năm rồi. Bác sĩ đó liền rất tức giận, do ông thấy mình rất là chuyên nghiệp “Người trúng gió hơn 10 năm rồi, da dẻ không thể nào được như vậy, anh gạt tôi!”. Kết quả sau đó bác sĩ đó đi coi lại bệnh án của cha thầy, sau khi coi xong thì đem bệnh án đó đến trước mặt thầy Vương Hy Hải, chảy nước mắt mà nói “Khả năng chăm sóc cha của anh có thể đi dạy của y tá của bệnh viện chúng tôi được rồi, anh chăm sóc quá là tốt, sao có thể chăm sóc đến nổi da dẻ láng bóng thế này?”. Do thầy cứ mỗi nửa tiếng sẽ giúp cha mình lật người 1 lần. Quý vị nói phương pháp ở đâu? Có hiếu tâm sẽ có phương pháp, vận dụng vi diệu, do bởi tại tâm. Thầy nghĩ tới cách đưa tay mình ra đỡ lưng cha, đỡ vừa đúng chỗ lõm vào, cha thầy 80 kg, cho nên sau khi tay thầy xuyên qua, cả thân thể của cha đè lên tay thầy, nửa tiếng đồng hồ tay thầy cũng tê dại, cha thầy sẽ tỉnh lại, hễ tỉnh lại thì mau chóng lật người qua sẽ không bị lở loét. Chỉ cần người bệnh nằm trên giường hễ lở loét thì sẽ rất đau đớn khổ sở, muốn đứng cũng không được muốn nằm cũng không xong, do có 1 vết thương ở đó, mỗi ngày ngủ cũng không được. Thầy thấy để cha mẹ mình bị lở loét là sự sỉ nhục của con cái, bất hiếu, không thể thấu hiểu cha mẹ. Phương pháp này là do thầy thể nghiệm được, tại sao? Niệm niệm nghĩ cho cha mẹ.

Khi ở bệnh viện thầy rất cảm khái, thầy nói thấy cha đã 3 ngày không đại tiện, 4 ngày không đại tiện, con cái lại không có bất kì động tác gì, chỉ chờ bệnh viện xem thế nào. Hình như rất hiếu thuận, đưa cha mẹ đến bệnh viện, hình như rất hiếu thuận, giống như họ đem tiền về thì rất là hiếu thuận. Hiếu thuận thể hiện ở đâu? Có đồng cảm thấu hiểu với tâm cha mẹ không, đó mới là hiếu thuận. Nếu như có thể cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ, đã ba ngày bốn ngày không đại tiện, vất vả biết mấy, chúng ta liền có cảm giác. Thầy liền ra tay hành động, mặc dù bác sĩ y tá không quản, thầy đã bắt đầu xoa bóp bụng cha mình, giúp cha vận động, sau đó dùng khăn nóng chườm lên, sau đó lại chườm lên chỗ hậu môn, sau cùng cha thầy cũng đại tiện được. Phân đó đi lên trên tay thầy, thầy hết sức hoan hỉ, cha mình cuối cùng cũng giải quyết được nỗi khổ này. Cho nên 1 người trên tay có thể hứng lấy phân tiểu của cha mẹ mình, đó là hạnh phúc của cuộc đời quý vị, do quý vị trả được ân đức mà cha mẹ lau từng chút phân từng chút nước tiểu nuôi quý vị nên người, quý vị là người có phước báo nhất.

Điều này tôi cũng cảm ơn mẹ tôi. Hồi đó, ông ngoại tôi bị bệnh, mẹ tôi, các dì của tôi, mọi người thay nhau chăm sóc, có lúc ông cụ đại tiểu tiện không kiểm soát được, lúc này mẹ tôi và các dì nói, ai hứng được phân của cha thì đó là phước phần của người đó, nghĩa là họ còn có những ân đức này. Cha mẹ giúp chúng ta lau từng chút phân chút tiểu, đâu có ghét bỏ chúng ta? Thấy chúng ta đại tiện bình thường, đều lấy đó làm vui. Vậy chúng ta cũng lấy tâm như vậy mà báo đáp cha mẹ mình.

Hôm đó, tôi thấy ông trời rất thương yêu chúng tôi, hình như có rất nhiều việc tốt tôi đều được nhìn thấy. Hôm đó chúng tôi hồi cuối năm 2005 có cùng học với thầy giáo Trịnh, thầy vừa hay sống ở Nam Kinh đến thăm tôi, lại gặp được thầy Vương Hy Hải, đã trực tiếp cảm ơn thầy Vương Hy Hải “Tôi nhờ nghe thầy giảng chăm sóc cha như thế nào, khi cha tôi bị bệnh, tôi cũng giúp ông đại tiện như vậy”. Sau đó cha thầy ấy vốn dĩ không học văn hóa truyền thống, thầy đã tận tâm tận lực chăm sóc cha mình như vậy, sau cùng trước khi lâm chung cha thầy đã nói với thầy “Con muốn cha làm gì thì cha sẽ làm theo”, đây là thầy đã chăm sóc cha mình đến nỗi ông hết sức cảm động “Cho nên bây giờ con muốn cha ăn gì, muốn cha làm gì, cha đều nghe lời con, làm theo lời con”.

Trong kinh điển có nói “Hiếu tử bất quỹ, vĩnh tích nhĩ loại”, những việc mà tôi gặp được này đều chứng minh những kinh điển này nói đều là sự thật không hư vọng. 1 hiếu tử chí hiếu, hiếu hạnh của họ sẽ không gián đoạn, ngược lại hiếu hạnh của họ sẽ lưu truyền mãi mãi, sẽ ảnh hưởng đến con người thời thời thế thế. Hơn nữa từ “tích” này tương thông với từ “tứ” (ban tặng), ngược lại tặng cho nhân loại, ban phước báo cho đời sau. Tại sao? Hiếu tâm của họ cảm động người đương thời, người đương thời đều có phước báo, bắt đầu biết hiếu thuận cha mẹ, họ sẽ có phước. Chúng ta đọc Nhị thập tứ hiếu, thật ra mà nói, tôi thường xem Nhị thập tứ hiếu, đều cảm động mà chảy nước mắt. Cho nên 1 người khi có phiền não, giở Nhị thập tứ hiếu ra đọc lại, phiền não sẽ không còn, tâm hổ thẹn khởi lên, thua kém họ quá nhiều.

Trích “Học Tập Chia Sẻ Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”

CHIA SẺ
Bài viết trướcTâm Sự Của Một Người Cha
Bài viết tiếp theoHãy Cắn Chặt Răng Mà Gánh Vác Sứ Mệnh
Cảnh sắc biến đổi, con người biến đổi theo luật tuần hoàn. Ngày sang ngày, trẻ sang già. Còn đạo đức không bao giờ già, trước sau cổ kim vẫn không thay đổi, như như bất tử. Người có đạo đức càng lớn thì ngôi vị càng cao. Sự nghiệp đạo đức là sự nghiệp vĩnh hằng. Sự nghiệp vật chất dù to lớn đến đâu cũng không bằng được mảy lông sợi tóc sự ngiệp đạo đức. (Long Hoa Thi Tập Lửa Thiên, Văn Hóa Cội Nguồn)

HỒI ĐÁP