Trong một lá thư gửi cho đồng đạo ngài Thanh Sĩ có viết: “Vấn đề : Biết thạo tiếng Nhựt, tiếng Anh; tiếng Tàu, v.v… đâu có khó khăn gì mà Tho phải ngạc nhiên. Ngạn ngữ Anh có câu : Nothing is impossible to a willingmind (Quyết chí thì không có việc gì bất lực) Còn người Nhựt cũng có câu: Nenrydhu iwa o mo tosu (tập trung tinh thần thì có thể làm phủng được núi đá). Tóm tắt nếu mình đặt hết ý niệm vào việc gì thì nhứt định việc ấy sẽ nên.”

Tiếng là ở nhà ông Cả Mười làng Mỹ Hội Đông nhưng ông Thanh Sĩ thường tới lui làng Nhơn Mỹ, và thường hay đi thuyết giảng khi có đồng đạo yêu cầu hoặc khi ông thấy cần thiết phải giảng thuyết. Các vùng mà ông thường tới lui thuyết giảng lúc bấy giờ là kinh Đồng Tân, Mỹ Hòa Và Sơn Đốt. Kinh Đồng Tân ngụ nhà ông Thương, về Mỹ Hòa ở nhà ông Xã Sính, xuống Sơn Đốt thì ở nhà ông Đoàn Văn Đính v.v…

Lúc ông Thanh Sĩ ở Sơn Đốt, những người đồng đạo thân cận với ông như ông Đoàn Văn Huầng, Trần Văn Tàng, Dương Thế Vinh … người nào cũng biết chữ Hán và đọc được sách chữ nho. Một hôm ông Thanh Sĩ nói với các ông ấy :

– Tôi cũng ham biết chữ Hán, vậy các anh dạy cho tôi học chữ Hán với.

Các ông ấy khiêm nhường nói :

– Cậu đã thông minh rồi còn học gì nữa?

Tuy nói vậy nhưng ông Thanh Sĩ cứ nài nĩ mãi, thấy thế ông Sư Huầng mới kêu ông Hai Vinh đi Long Xuyên mua quyển “Hán Việt Từ Điển” của tác giả Đào Duy Anh (giá tiền 50đ lúc bấy giờ) về cho ông học.

Được đồng đạo tặng quyển từ điển ông Thanh Sĩ về chăm chỉ học. Ông viết ra từng “đơn tự” và những “liên từ” để học, và hễ học một “từ đơn” hay “từ kép” nào thì thông thạo các “từ” đó. Thí dụ học chữ “quân” hay “quân tử” v.v… thì khỏi phải nhìn mặt chữ mà vẫn viết chữ ấy ra được, và giải thích rành rẽ hoặc “từ” đó có một nghĩa hay nhiều nghĩa, có một ý hay nhiều ý. Sự thông minh của ông Thanh Sĩ làm cho mọi người vô cùng ngạc nhiên, vì chỉ học mới mấy ngày mà ông đã thuộc gần hết quyển từ điển. Như qua bảy ngày tự học, ông bèn kêu ông Sư Huầng và bảo: Anh đi mượn hoặc mua báo “chữ tàu” về để tôi tập đọc và tập dịch thử coi!

Thấy vậy ông Hương sư Huầng cũng chẳng buồn nghĩ gì về việc ông Thanh Sĩ có đọc hay dịch được báo chữ tàu hay không, và ông tự nhiên đi ra chợ Mỹ Hòa mượn của ông Chệt Chín một tờ nhựt báo chữ tàu về cho ông Thanh Sĩ thử nghiệm. Cùng có mặt các vị bạn đạo, ông Thanh Sĩ nằm trên chiếc võng lật tờ báo độ chừng như xem được một vài đoạn. Bỗng ông Thanh Sĩ nói với mọi người có mặt : “Để tôi đọc bản tin của Đài Loan đăng trên tờ báo này cho các anh nghe nhen :”

– Nhựt Bổn phát minh được máy Vô tuyến truyền hình (ti vi).

Ông vừa đọc bài báo vừa giải thích với mọi người những chi tiết của bản tin ấy cho các anh em kia nghe, làm cho các ông ấy vốn đã kính nễ ông Thanh Sĩ nay lại càng kính nễ hơn.

Mấy năm trước lúc 14, 15 tuổi ông Thanh Sĩ có học chữ hán với Thầy Câu Tường được chừng 2 tháng, cộng với thời gian tự học chữ hán trong bảy ngày hiện nay, thế mà ông Thanh Sĩ có thể nói là đã thông thạo chữ Hán, chẳng những ông đọc được sách chữ nho như Minh Tâm Bửu Giám, Đại học, Trung Dung mà còn đọc được báo chí chữ tàu. Thực tế ông Thanh Sĩ vượt trội hơn nhiều đối với trình độ “học nhi tri”.

Về sau khi các ngôi chùa như Tây An Cổ Tự (xã Long Kiến) Không Môn Tự (xã Nhơn Mỹ) Liên Hoa Tự (xã Mỹ Hội Đông) Long Hoa Tự (xã Long Điền) v.v… được xây dựng ông đều được Ban Quản tự đề nghị viết hộ một số câu liễn để treo ở các chùa. Liễn của ông viết rất đối và rất chỉnh, ngữ pháp ông dùng thật rất thích hợp, chữ nghĩa rõ ràng, ý tứ thâm quảng. Ở lĩnh vực Tu Nhân hay Tu Phật, pháp môn hay chân lý… tất cả đều rất chuẩn với cú pháp của thể loại “văn học” này. Cho nên ngoài những khách thập phương hành hương vãn cảnh bình thường đến những bậc thâm nho cũng đều ngợi khen hết mực.

Chúng ta thử đọc lại một vài câu liễn mà ông đã viết cho các ngôi chùa vừa nói trên. Như đôi liễn tại cửa Đông Tam Quan chùa Tây An Cổ Tự ghi :

PHẬT môn dục nhập, tiên khai tâm môn tức PHẬT HÒA,
GIÁO pháp cầu tu, yếu ngộ tánh pháp kỳ GIÁO HẢO.

(Tạm dịch: Cửa Phật muốn vào, trước phải khai mở cửa Tâm tức mình với Phật Hòa. Giáo pháp cầu tu, trọng yếu là phải tỏ ngộ pháp tánh đó là lời dạy tối Hảo).

Đọc câu liễn này hẳn ai cũng thấy được đôi liễn với vế đối “Khoán thủ” mà cũng “khoáng vĩ” rất khớp như 2 chữ đầu câu ráp vào 2 chữ cuối câu thành “Phật Giáo Hòa Hảo” và 4 chữ cuối câu cũng “Phật Giáo Hòa Hảo”.

Bên Tây Lang chùa Tây An Cổ Tự có câu liễn ghi :

Cầu Phật cầu Tâm, cụ túc tự tha vi chánh đạo,
Trác thân trác hạnh, kiêm tu nội ngoại thị chơn tông.

(Tạm dịch: Cầu Phật cũng cầu ở tâm mình, đầy đủ tự lưc và tha lực mới là chánh đạo. Trau thân sửa hạnh gồm nhiếp cả trong ngoài ấy mới là chơn tông).

Cũng trong thời gian ông Thanh Sĩ ngụ ở nhà ông Đoàn Văn Đính, xã Nhơn Mỹ, tổng Định Hòa quận Chợ Mới (An Giang) ông cùng với ông Sư Huầng và một số đồng đạo, nhân sĩ ở đây đề ra phương án xây cất chùa Không Môn, địa điểm ở kế Đình thần xã Nhơn Mỹ.

Khi xây dựng xong, cũng chính ông Thanh Sĩ đặt tên chùa và viết các câu liễn cho Chùa này. Trong đó câu liễn ở cửa chính ghi :

Không tâm trần thế duy tâm Phật, Môn pháp Tịnh Thiền bổn pháp siêu.

(Tạm dịch : Nếu tâm không có vướng bụi trần thì đó chính là tâm Phật. Giáo pháp gồm có Tịnh và Thiền là gốc của pháp giải thoát (Pháp siêu).

Chùa Không Môn được cử hành lễ khánh thành vào ngày 25 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1954) dưới sự chứng kiến và chủ tọa của Đức Ông (thân sinh Đức Huỳnh Giáo chủ) và sự có mặt của ông Nguyễn Giác Ngộ.

Trích “Thanh Sĩ Thân Thế Và Sự Nghiệp”

CHIA SẺ
Bài viết trướcBa Năm Học Chữ Nôm Và Nền Tảng Trí Tuệ Của Một Vị Tướng
Bài viết tiếp theoNhững Tố Chất Người Thầy Văn Hóa Truyền Thống Nên Có
Cảnh sắc biến đổi, con người biến đổi theo luật tuần hoàn. Ngày sang ngày, trẻ sang già. Còn đạo đức không bao giờ già, trước sau cổ kim vẫn không thay đổi, như như bất tử. Người có đạo đức càng lớn thì ngôi vị càng cao. Sự nghiệp đạo đức là sự nghiệp vĩnh hằng. Sự nghiệp vật chất dù to lớn đến đâu cũng không bằng được mảy lông sợi tóc sự ngiệp đạo đức. (Long Hoa Thi Tập Lửa Thiên, Văn Hóa Cội Nguồn)

HỒI ĐÁP