Kính chào hòa thượng chủ pháp, quý vị khách quý, quý vị đại đức, quý vị đồng tu, chào mọi người! Hôm nay là ngày đầu tiên của pháp hội hệ niệm siêu độ hộ quốc tiêu tai tế tổ đông chí Hồng Kong năm 2017, rất vui khi nhìn thấy mọi người tụ hội về đây, chung tay xây dựng!
Tưởng nhớ đức tổ, tri ân báo ân là mỹ đức truyền thống của người Trung Quốc; pháp hội hệ niệm siêu độ là một nghi thức cầu phước mà tín đồ Phật giáo dùng công đức tu hành thành kính hồi hướng cho vong linh thoát khổ, tiêu trừ họa nạn, thế giới hòa bình. Trước khi pháp hội ngày hôm nay bắt đầu, chúng tôi hy vọng trước hết sẽ nói về một chủ đề quan trọng “Thực hiện giáo dục nhập môn nhi đồng trong thời hiện đại”. Tế tổ là tưởng nhớ tổ tiên trong quá khứ, kế thừa mỹ đức của họ; pháp hội là hóa giải những hung họa hiện tiền, tu tích phước đức cho mọi người; giáo dục nhập môn nhi đồng là bồi dưỡng trụ cột tương lai cho quốc gia dân tộc, tiếp nối công đức vô lượng của huệ mạng hàng ngàn hàng vạn năm. Tầm quan trọng của giáo dục nhập môn nhi đồng là không gì sánh bằng, là một đại sự quan trọng nhất trong thời đại này!
Lý niệm căn bản của giáo dục nhập môn nhi đồng
“Kinh Dịch – Quẻ Mông” nói: “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã”, có nghĩa là, từ thuở nhỏ đã bắt đầu phải cho các em sự giáo dục đúng đắn; lúc còn thơ trẻ mông muội là dễ dàng tiếp thu sự dạy dỗ nhất, lúc này phải nên dẫn dắt hướng về chánh đạo, đây chính là thành tích vĩ đại của thánh hiền! Cho nên người xưa nói “Ba tuổi nhìn tám mươi”, thiện căn thời thơ ấu đã gieo trồng, sẽ ảnh hưởng cả đời các em, tới khi 80 tuổi cũng không thay đổi.
Trước đây chúng ta chú trọng giảng giải sự coi trọng về thai giáo cho đến sự bảo bọc sau khi ra đời 1000 ngày của người Trung Quốc xưa: Người mẹ trong thời kì mang thai, tất cả hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng đều bắt buộc phải đoan chánh, khiến thai nhi tiếp nhận chánh khí. Trong 3 năm sau khi ra đời, người lớn phải bảo bọc trẻ nhỏ, khiến những điều các em nhìn thấy, nghe thấy, tiếp xúc được đều là ngôn ngữ và hành vi chính diện. Gốc rễ trong 3 năm này cắm xuống rồi, em bé sẽ có đầy đủ năng lực phán đoán thị phi thiện ác, cả đời sẽ không thay đổi. Bây giờ chúng ta phải tiến thêm một bước, thảo luận về giáo dục trẻ thơ sau khi 3 tuổi.
Thời kì nhi đồng trí nhớ rất tốt, sự lý giải lại yếu, cho nên phải dẫn dắt các em đọc thuộc điển tích thánh hiền, ví dụ 23 loại thư tịch trẻ thơ đã thu thập trong “Thánh hiền căn chi căn”. Cũng có thể ghi âm lại âm thanh đọc sách của bản thân, sau đó mở đi mở lại, đồng thời cũng đọc theo; như vậy không những nâng cao sự hứng thú và tính tích cực, còn có thể tập thành thói quen tốt vừa đọc vừa nghe. Mỗi lần chỉ đọc một giáo trình, đọc thông thuộc nhiều lần, dần dần sẽ có thể thuộc lòng; phải đọc tụng làu làu như cháo chảy, thông thường là đọc xong mấy trăm lần, thậm chí cả ngàn lần, sẽ không dễ gì quên được, sau đó mới đọc quyển tiếp theo. Sau khi học thuộc “Thánh học căn chi căn”, thì có thể học thuộc Tứ thư Ngũ kinh. Mục đích học thuộc sách là khiến tâm của các em an định trở lại, bồi dưỡng định lực, không suy nghĩ lung tung, đối với sự phát triển trí lực, năng lực về sau của con trẻ là vô cùng quan trọng.
Những sai lầm trong giáo dục nhập môn nhi đồng hiện tại
Trước đây vì phổ biến văn hóa truyền thống, khắp các nơi đã làm rất nhiều luận đàn, cũng thu hút sự quan tâm của nhân sĩ các ngành trong xã hội. Có điều, thật sự muốn làm giáo dục văn hóa truyền thống, thì không thể dùng phương pháp của luận đàn để làm. Làm luận đàn là muốn đạt được hiệu quả của sự tuyên truyền, sẽ dùng rất nhiều phương pháp để khích lệ nhân tâm, làm rất là sôi nổi. Làm giáo dục văn hóa truyền thống, thì bắt buộc phải khiến tâm an định trở lại, bắt đầu bồi dưỡng từ những đức hạnh từng ly từng tí trong cuộc sống bình thường, đồng thời phải làm học vấn một cách vững chắc và hệ thống hóa, việc này so với phong cách và phương thức của luận đàn là không giống nhau, không thể nhập chung mà nói.
Người thầy văn hóa truyền thống bắt buộc tự thân phải có đạo đức và học vấn chân chính, mới có thể dạy tốt học sinh. Không thể coi việc làm giáo dục rất là đơn giản, làm rất là thô sơ, nếu không sẽ không phải là thật sự làm giáo dục văn hóa truyền thống nữa. Ngộ nhỡ bản thân người thầy dạy văn hóa truyền thống tu dưỡng không đủ, chưa thể thật sự thực hiện luân lý đạo đức, thậm chí còn thường xuyên thể hiện những tập khí phiền não trong cuộc sống thường ngày hoặc trong khi dạy học, gây ra ảnh hưởng phiến diện cho học sinh, thì ngược lại đó là chà đạp văn hóa truyền thống, bôi nhọ văn hóa truyền thống, sai lầm này rất là nghiêm trọng!
Do đó, đối với những người thầy theo đuổi việc giáo dục nhập môn nhi đồng, yêu cầu sẽ rất là nghiêm khắc, bắt buộc phải trải qua sự huấn luyện chuyên nghiệp và tuyển chọn nghiêm khắc. Thầy dạy trẻ thơ bắt buộc phải có tình thương chân thành, kiên nhẫn lâu bền, tinh tế chu toàn, mới có thể dạy tốt các em. Cũng như người xưa đã nói, chỉ có người thầy thánh hiền quân tử mới có thể dạy ra học trò thánh hiền quân tử. Thầy dạy trẻ thơ đứng ở tiền tuyến trước nhất của giáo dục, là đang vì quốc gia dân tộc, vì toàn thế giới bồi dưỡng thánh hiền quân tử thế hệ sau, trách nhiệm vô cùng trọng đại, cho nên phải do những nhân tài ưu tú nhất đến đảm nhiệm, xã hội cũng phải nên đầu tư tài nguyên tốt nhất để bồi dưỡng thầy dạy trẻ thơ. Bất luận những người nào theo đuổi công việc này, đều phải nên cảm nhận sâu sắc sự trọng đại của trách nhiệm trên vai mình, phải giữ vững cương vị, nâng cao đạo đức và học vấn của bản thân, cố gắng làm việc giáo dục trẻ thơ một cách tốt nhất. Hy vọng những người có chí, có đức, có năng lực, phát tâm đến gánh vác sứ mệnh này.
Giáo dục nhập môn nhi đồng hồi xưa, đều là tiến hành trong trường học tư thục do mỗi gia tộc mở ra. Tộc trưởng của gia tộc sẽ hết sức nghiêm túc chọn lựa người thầy có đạo đức cao thượng, học vấn ưu tú để chỉ đạo học trò trong tư thục nhà mình; bởi vì mỗi một phụ huynh đều hiểu rằng, chỉ có giáo dục tốt con em mình, gia tộc mới sanh ra nhân tài, mới có thể tiếp nối hưng vượng. Cho nên cả xã hội đều coi sự giáo dục nhập môn nhi đồng là điều quan trọng nhất, những người thầy tốt nhất đều được mời đến để làm việc giáo dục nhập môn nhi đồng này, đây mới là phương pháp đúng đắn. Làm tốt việc giáo dục cơ sở cho thời kì nhi đồng rồi, những việc giáo dục về sau sẽ rất dễ dàng tiến hành.
Từ đây có thể nhìn thấy điểm khác nhau giữa thời nay và thời xưa: Thời xưa mời thầy giáo tốt nhất để giáo dục nhi đồng, bây giờ mức độ coi trọng đối với việc giáo dục nhập môn nhi đồng là không đủ. Sự khác biệt về phương pháp này, là một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao thời xưa đời đời đều có thể sanh ra nhân tài cấp đại sư, bây giờ lại không sanh được đại sư.
Yêu cầu của giáo dục nhập môn nhi đồng
Người thầy nhập môn nhi đồng buộc phải có đủ “nhân đức”; phải thuận đức mà làm, không thể nghịch đức mà làm. “Hán thư – Cao Đế Kỉ Thượng” viết: “Thuận đức giả xương, nghịch đức giả vong”. Then chốt thành bại của giáo dục nhập môn nhi đồng đều nằm tại đây. Gọi là nghịch đức, tức là dũng mãnh, đấu tranh, hiếu chiến, sân nộ… những việc trái nghịch với từ thiện nhân ái. Gọi là thuận đức, tức là những đức hạnh bình hòa, lễ nhường, hòa hợp, nhân từ… Thầy dạy trẻ thơ không thể có tính khí phô trương tài sức, đó là biểu hiện không trưởng thành trong nhân cách, sẽ dạy hư các em nhỏ. Người xưa nói “học vấn thâm thời ý khí bình”, người thật sự có học vấn, có bản lĩnh, đều sẽ rất khiêm tốn ôn hòa, sẽ không phô trương, khoe khoang. Chắc chắn là người thầy có sự tu dưỡng bình hòa mới có thể dẫn dắt các em bước vào con đường ôn tồn lễ độ, tích dày phát mỏng.
Thầy dạy trẻ thơ không thể có tâm địa tranh danh đoạt lợi, đó là khởi đầu của sự bại họa đọa lạc, sẽ dạy hư các em nhỏ. Người xưa nói “Tranh danh đoạt lợi lúc nào thôi? Thức khuya dậy sớm nào tự do! Cỡi trên con la nhớ tuấn mã, quan đến tể tướng vọng vương hầu. Chỉ sầu cơm áo lo khổ nhọc. Chẳng sợ Diêm quân tới lôi đi! Hưng thịnh cháu con cầu phú quý. Càng chẳng một ai chịu quay đầu!”. Danh lợi là vật ngoài thân, số mình có trước sau gì cũng có, số mình không có thì chớ cưỡng cầu. Chỉ có đạo đức học vấn, mới là tài phú thật sự, có thể đem tới cuộc đời hạnh phúc vui vẻ. Bắt buộc là người thầy hiểu rõ sự lý, coi nhẹ danh lợi, mới có thể bồi dưỡng giá trị nhân sinh quan đúng đắn cho học trò.
Thầy dạy trẻ thơ không thể có tâm phân biệt so sánh cao thấp, đó là cái nhìn sai lầm lệch lạc thiển cận, sẽ dạy hư các em nhỏ. Người xưa nói “360 ngành, ngành ngành sanh trạng nguyên”. Mỗi một trẻ nhỏ đều có thiên bẩm và tài năng đặc thù, không thể tùy tiện so sánh tốt xấu. Người thầy phải nên tùy người mà dạy, tinh tế quan sát chí hướng và sở thích của các em, phát hiện điểm sáng của bản thân mỗi em nhỏ, thuận theo thiên bẩm của bản thân các em mà chỉ đạo, như vậy mỗi một em nhỏ đều có ngộ tính rất cao. Giữa các thầy cô với nhau càng không nên so đo cao thấp, vậy là chưa thể làm ra tấm gương tốt thân giáo cho học sinh. Bắt buộc phải là thầy cô tôn trọng khác biệt, bình đẳng đối đãi mới có thể khiến các em học được sự tán thưởng lẫn nhau, phát huy sở trường, tránh việc rơi vào sai lầm so sánh lẫn nhau.
Thầy dạy trẻ thơ không thể có tính khí nóng nảy dễ giận, đó là biểu hiện của sự thiếu kiểm soát và nhẫn nại, sẽ dạy hư các em nhỏ. “Kinh Dịch – Quẻ Tổn – Tượng” nói: “Quân tử dĩ trừng phẫn trất dục”. Quân tử phải khắc chế phẫn nộ, tiết chế tình dục. Con người đều khó tránh thất tình ngũ dục, nhưng thầy dạy trẻ thơ bắt buộc phải làm được sự khắc chế và kiểm soát tâm trạng của bản thân càng nghiêm khắc hơn, giống như “Lễ kí – Khúc Lễ Thượng” nói “Ngạo bất khả trưởng, dục bất khả túng, chí bất khả mãn, lạc bất khả cực”, thầy dạy trẻ thơ tuyệt đối không thể trút bỏ tâm trạng của chính mình trên bản thân học sinh, mà phải thời thời gìn giữ lý trí, có thể bao dung lỗi lầm của học sinh, thể hiện tình thương và sự nhẫn nại trọn vẹn, đây mới là vì các em học sinh mà làm ra mô phạm đạo đức tu dưỡng tốt đẹp.
Tấm gương của người thầy dạy dỗ trẻ thơ
Chúng ta lấy lão tiên sinh Trần Hạc Cầm, nhà giáo dục nhi đồng những năm đầu Dân quốc để làm ví dụ. Trong thời gian ông ở Khoa giáo dục trường Cao đẳng sư phạm Nam Kinh, đã xây dựng khu thực nghiệm giáo dục, và các vị Đào Hành Tri, Liêu Thế Thừa cùng khởi xướng nền giáo dục chất lượng tốt. Nam Kinh năm đó, căn bản đều là các trường mẫu giáo hoàn toàn Tây hóa giáo dục, không có trường mẫu giáo mang đặc sắc Trung Quốc. Tiên sinh Trần đã lập ra trường mẫu giáo theo mô thức Trung Quốc đầu tiên, “Trường mẫu giáo thực nghiệm Khoa giáo dục Đại học Đông Nam”. Ông và rất nhiều nhà giáo dục nhi đồng hiện đại phương Tây nhấn mạnh bổn vị nhi đồng và chủ trương giáo dục tự do là khác nhau. Tiên sinh Trần Hạc Cầm không cho rằng sự phát triển tự do và cá tính của nhi đồng có thể đơn độc riêng lẻ, buông thả hoặc theo sự gia tăng tuổi tác mà dần dần phát triển. Ông tin là, phàm là nhi đồng đều có thể giáo dục trở thành những người có thành tựu; nhi đồng không những phải dạy ngay từ nhỏ, còn phải chú ý dạy tốt từ nhỏ. Trường mẫu giáo của ông cung cấp một môi trường rất tốt cho nhi đồng, giúp cá tính của nhi đồng có thể phát huy trọn vẹn; đồng thời dạy cho các em đạo đức làm người, nâng cao trí lực và đức tính cho các em.
Ông Trần chỉ ra: Tính tình và tình cảm của con người là được hun đúc và bồi dưỡng từ thời kì nhi đồng. Trong trường mẫu giáo, âm nhạc, hội họa, văn học và cuộc sống thực tế của nhi đồng là con đường chủ yếu để bồi dưỡng tình cảm, đạo đức của nhi đồng. Ông đặc biệt nêu ra tầm quan trọng của việc xây dựng khóa trình huấn luyện công dân trong trường mẫu giáo, “Tức là bồi dưỡng cơ sở làm công dân trong tương lai, từ đó có thể tập thành tất cả tinh thần hợp tác, tinh thần thương yêu đoàn thề, thương yêu quốc gia, đồng thời cũng có thể bồi dưỡng tri thức và kĩ năng mà công dân nên có, xây dựng một nền tảng công dân vững chãi”.
Ông Trần còn khái quát tác dụng của trường mẫu giáo thành 13 phương diện, ở trong đó đã bao gồm 3 bộ phận lớn là bảo vệ sức khỏe, đức hạnh, năng lực mà người thầy thời xưa phải nên truyền thọ. Ông Trần đã kết hợp lý luận dạy học truyền thống ưu tú của nước ta và lý luận dạy học của phương Tây, không những đã thích ứng với nhu cầu phát triển giáo dục đương thời trong nước, hơn nữa trong thực tiễn lâu dài đã không ngừng điều chỉnh và hoàn thiện phương thức phương pháp quản lý và dạy học.
Những ví dụ thực tế này, đều là điều mà người thành lập ngành giáo dục nhi đồng phải nên khiêm tốn tham khảo học tập. Mở lớp học, không phải vì lợi nhuận, mà là vì muốn xây dựng môi trường sinh thái giáo dục lành mạnh hướng thiện; giúp mỗi một em nhỏ đều nhận được sự giáo dục càng tốt, càng công bằng hơn, từ đó có năng lực tạo phước cho toàn nhân loại.
Thực hiện giáo dục nhập môn nhi đồng trong thời hiện đại
Thực hiện giáo dục nhập môn nhi đồng trong thời hiện đại, điều quan trọng nhất là nguồn giáo viên. Người thành lập phải một lòng vì nước, vì thế giới, không có tơ hào tư lợi; giáo viên phải có đủ đạo đức và học vấn ưu tú. Tiếp đó là cha mẹ và thầy cô buộc phải phối hợp mật thiết, thầy cô dạy dỗ học sinh phải hiếu thuận cha mẹ, cha mẹ dạy dỗ con cái phải tôn sư trọng đạo. Cha mẹ thầy cô phối hợp chặt chẽ, giúp con trẻ có thể cắm sâu gốc rễ hiếu kính.
Việc chọn lựa giáo trình cũng rất then chốt, ngoài “Thánh học căn chi căn” và Tứ thư Ngũ kinh đã nói trên đây ra, sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại cũng rất quan trọng: Ví dụ một bộ sách giáo khoa rất hay xuất bản những năm đầu Dân quốc “Cộng hòa quốc giáo khoa thư giáo thụ pháp”, Tân quốc văn giáo thụ pháp thượng hạ, Tân tu thân giáo thụ pháp. Bộ sách giáo khoa này do Viện ấn thư thương vụ Thượng Hải xuất bản lần đầu tiên vào năm 1912. Nội dung của nó vừa tham khảo tinh hoa của văn hóa truyền thống, vừa phối hợp tinh tủy của văn hóa phương Tây, đồng thời tường thuật một cách chi tiết phương pháp làm sao giáo dục học sinh tu thân dưỡng tánh, là một bộ giáo trình rất hay và vô cùng hiếm có! Trong 10 năm sau khi xuất bản, tổng tiêu thụ từ hơn 70 triệu đến 80 triệu quyển. Một quyển giáo khoa xưa như vậy trong ngày nay mà nói, vẫn có giá trị thực dụng cực cao.
Do thời gian có hạn, hôm nay chỉ làm một báo cáo chia sẻ đơn giản, hy vọng mọi người đều có thể coi trọng sự giáo dục nhập môn nhi đồng, làm tốt giáo dục nhập môn nhi đồng, như vậy lý tưởng cao xa dân tộc phục hưng, quốc gia giàu mạnh, thế giới hòa bình chắc chắn có thể thực hiện sớm.
Chúc phúc quý vị ngồi đây thân tâm an khang, sáu thời cát tường! Chúc phúc việc giáo dục nhập môn nhi đồng càng làm càng tốt! Chúc phúc tổ quốc quốc quân thịnh vượng, quốc thái dân an! Chúc phúc thế giới an định hòa bình, đời đời sanh ra thánh hiền! Cảm ơn mọi người!
Lão pháp sư Tịnh Không chủ giảng