[Hỏi] Vốn dĩ thầy là một học sinh bình thường, bây giờ thầy là một học giả hết sức thành công, trong cuộc đời của thầy chắc chắn đã có những sự lựa chọn vô cùng xuất sắc. Từ hình thể và dáng vẻ của thầy, em cảm thấy thầy có thể rất biết chọn thức ăn; từ ngôn ngữ cử chỉ của thầy, em cảm thấy thầy ăn nói và chọn bạn đời cũng sẽ làm rất tốt. Nhưng điều em quan tâm là, trong khi chọn công việc, chắc chắn thầy còn có những thứ sâu xa hơn, em muốn mời thầy nói một chút với chúng em về những điều này. Cảm ơn thầy!
[Đáp] Khi chọn nghề, lập chí rất quan trọng. “Chí hợp với nhân nghĩa gọi là đại chí, chí hợp với tình nghĩa gọi là cao chí, chí hợp với lý gọi là tráng chí, chí hợp với dục gọi là ti chí, chí hợp với oán hận gọi là nguy chí”. Chí hướng của cuộc đời không thực hiện được trong công việc, đó là không chí. Cho nên khi chúng ta định vị ở chỗ đại chí, thì phải hợp với nhân nghĩa. Tất cả nghề nghiệp trong cuộc đời đều phải giúp đỡ người khác. Giúp đỡ có sự nặng nhẹ hoãn cấp, nhân dân bây giờ cần điều gì, chúng ta có thể dựa vào đó mà tìm kiếm nghề nghiệp cho cuộc đời chúng ta. Nếu như lòng nhân ái này chưa được khởi lên, chúng ta sẽ chỉ nghĩ tới làm sao kiếm tiền cho nhiều, công việc lại nhẹ nhàng, cách nhà chỉ có ba bước năm bước là tới. Đây là chí hợp với dục, chí hướng không cao xa.
Ngày nay chúng ta theo đuổi bất kì ngành nghề nào cũng phải có tình nghĩa. Khổng Minh phò tá Lưu Bị, hết sức có tình nghĩa, có thể làm được sự “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, cho nên đã lưu danh thanh sử.
Còn chí hướng thông thường, yêu cầu căn bản nhất là “chí hợp với lý”, cái “lý” này tức là tìm hiểu giá trị của mỗi một ngành nghề là nằm ở đâu. Làm luật sư, giá trị chỗ nào? Giữ gìn công nghĩa trong xã hội. Làm bác sĩ, giá trị chỗ nào? Cứu chữa người thương tật. Làm cảnh sát, bảo vệ an ninh. Làm thầy, bồi dưỡng anh tài.
Nhưng bây giờ người làm những ngành nghề này, có phải đều tương ứng với cái “lý” này không? Điều này đáng để chúng ta suy ngẫm. Theo đuổi bất kì ngành nghề gì, nếu như không nhìn thấy trách nhiệm, sứ mệnh vốn có, sẽ chỉ có nghĩa là truy đuổi tiền tài. Người làm luật sư chỉ nhìn thấy tiền, không nhìn thấy công nghĩa xã hội, họ sẽ làm ra bao nhiêu chuyện nguy hại tới xã hội? Một bác sĩ không cứu chữa người thương tật, chỉ nghĩ tới mỗi tháng mình phải có thu nhập 100.000 tệ, 200.000 tệ, thì bệnh nhân của họ sẽ đau khổ biết mấy! Cho nên, các ngành các nghề bây giờ trong xã hội cần nhìn vào cái gì nhất? Cái đức!
Hồi còn nhỏ, rất nhiều thầy cô giáo, không có bất kì thù lao gì, sau khi tan học còn ở lại cùng chúng tôi một tiếng đồng hồ, hai tiếng đồng hồ, thậm chí buổi tối còn bảo chúng tôi tới nhà họ ăn cơm, một xu tiền cũng không lấy của chúng tôi. Sau khi chúng tôi ra trường, một năm cũng quay về thăm thầy cô của mình đến mấy lần. Học sinh như vậy, chí hướng cuộc đời của họ luôn luôn là muốn làm một người giáo viên. Nhưng bây giờ, rất nhiều thầy cô luôn muốn kiếm càng nhiều tiền. Nếu bác sĩ vô đức, luật sư vô đức, giáo viên vô đức, cảnh sát vô đức, khi các ngành các nghề đều vô đức, xã hội của chúng ta sẽ rất nguy hiểm! Cho nên bất luận các em sau này chọn ngành nghề nào, các em nhất định phải kết hợp với “lý”, phải có sứ mệnh như vậy, đây là tiêu chuẩn chọn nghề.
Còn nói về bản thân tôi, là đọc được một câu nói trong “Lễ kí – Học kí”, tâm tôi liền vững chãi, từ nay về sau công việc của tôi sẽ không thay đổi nữa. Trong “Lễ kí – Học kí” có nói “Dựng nước quản dân, dạy học đứng đầu”, kiến lập quốc gia, lãnh đạo lấy thân làm mẫu, giáo dục là quan trọng nhất. Chỉ có thông qua thân giáo của chúng ta, ngôn giáo của chúng ta, mới có thể khiến người ta chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, như vậy mới có thể khiến cuộc đời của họ từ hung chuyển thành cát lợi, vận mệnh từ không tốt chuyển thành tốt. Cho nên sau khi tôi đọc được những kinh điển này, đã chọn theo đuổi sự nghiệp giáo dục.