Nghe lời sư phụ nói: Làm sao để xoay chuyển cảnh ngộ của chính mình

Chín mươi năm đã trôi qua, ấn tượng sâu sắc nhất chính là sự chân thật tin tưởng vào nhân quả báo ứng, đây là sự thật, một chút cũng chẳng giả. Cho dù gặp rất nhiều chướng ngại, cũng đều là nhân quả, nhìn được rõ, nghĩ thông rồi thì sẽ không trách người khác. Chúng ta có đời này, còn có đời quá khứ, phải biết được quan hệ giữa người với người có thể bắt nguồn từ không ít đời trong quá khứ, thậm chí là mấy mươi đời vẫn còn có sự ảnh hưởng lẫn nhau, thế nên việc này thật đáng sợ. Hiểu rõ chân tướng sự thật này rồi, tôi thường nghĩ rằng, làm thế nào ở trong đời này đừng đắc tội với một người nào, không làm hại một người nào, không làm cho một người nào sanh phản cảm, như vậy thì tiền đồ của chính mình mới thuận buồm xuôi gió. Tổ tiên sẽ chân thật gia trì, Tam Bảo gia hộ, tâm tưởng sự thành, những lời này đều không hề giả, đều là lời chân thật. Thế nhưng, tập khí của chúng ta quá sâu dày, dẫu đã biết, nhưng sửa đổi vẫn rất khó. Việc này có liên quan đến tập khí, thói xấu không phải là được nuôi dưỡng trong một đời, mà đã biết bao nhiêu đời, thậm chí đã biết bao nhiêu kiếp rồi, cho nên không dễ dàng gì mà thay đổi được. Thế nhưng, chúng ta hãy lắng lòng mà suy nghĩ, nếu như không thể sửa đổi, thì chúng ta hiện nay tu hành sẽ có rất nhiều chướng ngại, những chướng ngại này không thể trách người khác, đều là do tập khí của chính mình chiêu cảm đến, thực sự không có liên quan đến người khác. Nhân duyên của con người thật sự là có nhân, rồi kết thành quả, trong đó còn phải có duyên, duyên không đủ thì sẽ không kết thành quả. Thế nên, phải xử lý cho tốt cái duyên này, thì sẽ có thể thay đổi được nhân quả. Bạn hiểu đạo lý này rồi, hiểu được bí mật này rồi thì sẽ chuyển đổi, xoay chuyển được nghiệp chướng của chính mình.

Người đọc sách vào thời xưa, trong nhà Phật thì gọi là người tu hành, người đọc sách chính là người tu hành, người tu hành chính là người đọc sách. Sách vở và lý luận đều thông tỏ rồi, hiểu rõ rồi, thì sẽ biết bản thân mình sai ở chỗ nào, biết rồi liền sửa, đến sau cùng những lỗi lầm thảy đều được tiêu trừ, tương lai sẽ thuận buồm xuôi gió. Sự việc lớn nhất của đời người chính là làm thế nào thoát ly Lục Đạo luân hồi, làm thế nào vãng sanh Cực Lạc Thế Giới, những việc khác đều là chuyện nhỏ, không đáng nói đến, có thể nhường được thì hãy cứ nhường. Phần quan trọng trong câu chuyện “Con hẻm Sáu thước” dạy cho chúng ta biết nhường nhịn, nhường người ba thước thì có mất mát gì đâu. Nếu có thể nhường thì rất nhiều tai nạn vô hình trung sẽ được hóa giải. Nếu không thể nhường, mà cứ để ở trong tâm thì nhất định có báo ứng, báo ứng thì luôn luôn rất tàn khốc. Kết quả của báo ứng là gì? Oán cừu càng kết càng sâu, đến sau cùng thì nhà tan người mất. Nếu như chúng ta có tích lũy công đức mà có địa vị cao, quyền thế rất lớn, thế thì nghiệp tạo ra càng nặng hơn nữa. Một đời tạo nghiệp, e rằng mười đời cũng trả không hết, đáng sợ biết bao! Cho nên, phải tu nhẫn nại, “hết thảy Pháp thành tựu do Nhẫn”, nếu không thể nhẫn thì rất đáng thương trong nhiều đời nhiều kiếp. Vì vậy, có thể nhẫn, có thể nhường thì người này chân thật có phước báo. Cho nên, tâm bất bình là chướng ngại lớn nhất, không phải chướng ngại người khác, mà là chướng ngại chính mình. Sửa đổi, nhất định phải bắt đầu từ chính mình, không phải từ người khác. Sau khi mình đã sửa thì người khác cũng dần dần sửa theo. Phật pháp thật sự là điều rất tốt, nếu như chúng ta không gặp được Phật pháp thì không biết những tội nghiệp mà mình đã tạo trong đời đời kiếp kiếp ở quá khứ, lại đi báo thù, quấy nhiễu người, thì oán càng kết càng sâu, quả báo đời sau nghiêm trọng hơn đời trước, thật đáng sợ! Tu hành là tu từ chính bản thân mình trước. Nho và Phật hoàn toàn tương đồng, sau khi chính mình sửa đổi tốt rồi, công đức sẽ rất lớn, lại còn ảnh hưởng đến người khác.

Lão Hòa thượng Tịnh Không khai thị
Ngày 19/10/2018, tại chùa Cực Lạc

HỒI ĐÁP