TÙY THUẬN PHẬT GIÁO, TIẾP LỬA TƯƠNG TRUYỀN
(29/05/2019, Trung tâm hội nghị Quốc tế – Quỹ Trương Vinh Phát)
Pháp sư Ngộ Đạo tôn kính, chư vị Pháp sư, chư vị Đại đức, chư vị đồng tu, xin chào mọi người. Lần này Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội cử hành hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Học Hội trong 3 ngày, đồng thời ôn lại quảng thời gian hoằng pháp của Tịnh Không trong 60 năm qua. Hôm nay Tịnh Không tôi rất là vinh hạnh nhận lời mời của Học Hội. Tại nơi đây nói vài lời với mọi người.
Năm tôi 26 tuổi, Tiên sinh Phương Đông Mỹ đã dùng câu nói: “Học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người” mà dẫn tôi vào cửa Phật. Khoảng một tháng sau thì tôi quen biết với Chương Gia Đại sư. Năm đó Ngài sống tại số 8, đường Thanh Điền, trong một ngôi nhà Nhật Bản. Chúng tôi mỗi tuần gặp nhau một lần, cùng Ngài nghiên cứu thảo luận, nghe lời Ngài dạy bảo. Ba năm sau, thì Đại sư Chương Gia viên tịch. Khi đó tôi đã có một nhận thức tương đối về Phật Pháp. Cảm thấy thế gian này có được sự giáo dục tốt như vậy, tiếc là người biết được không nhiều. Người có thể nói ra sự lợi ích của nó lại càng ít hơn. Huống hồ người thật sự đạt được lợi ích chân thật trong việc tu học Phật Pháp, số đó càng ít hơn.
Sau khi may mắn gặp được Phật Pháp, tôi liền từ bỏ công việc, quyết tâm phụng hiến thân này cho sự nghiệp giáo dục Phật Đà. Nhờ người giới thiệu, tôi đến Đài Trung thân cận Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Tôi ở Đài Trung được 1 năm 3 tháng thì nhân duyên xuất gia chín muồi rồi. Tôi xuống tóc xuất gia tại chùa Viên Sơn, Lâm Tế ở Đài Bắc. Sau khi tôi xuất gia, cuộc sống vô cùng vất vả. Không có người cúng dường. Lão Hòa Thượng khuyên tôi học kinh sám, còn học giảng kinh thì không có thu nhập. Làm sao để sống được đây!
Việc này làm cho những người học giảng kinh đều sợ chạy mất. Nhưng tôi không sợ. Chương Gia Đại sư Ngài đã nói với tôi rằng: “Nếu chân thật phát tâm giảng kinh, học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiếp nối huệ mạng của Phật, Hoằng Pháp Lợi Sanh, thì tự nhiên được Phật, Bồ-tát bảo hộ. Cuộc đời này của bạn sẽ được Phật, Bồ-tát sắp xếp, không cần phải lo lắng điều gì. Thuận cảnh, nghịch cảnh thảy đều là sự sắp xếp của Phật, Bồ-tát”. Như vậy thì quá tốt rồi! Tôi tin tưởng điều này. Cho dù có bị đói chết, tôi cũng tin. Tôi không hoài nghi. Sau khi tôi thọ giới, thì đi thăm Lão sư Lý. Lão sư Lý dạy tôi phải chân thật tin Phật. Tôi tin Phật và tin cả lời Thầy. Lúc đó ở Đài Bắc có Lão cư sĩ họ Cam đã phát tâm chăm sóc tôi. Bà tìm 15 vị đạo hữu, mỗi tháng, mỗi người bỏ ra 10 đồng Đài tệ, tích cóp lại, được 150 đồng, rồi gửi cho tôi. Vào thời đó, 150 Đài tệ, tính ra chưa được đến 5 đô-la Mỹ. Đó là phí sinh hoạt 1 tháng của tôi.
10 năm không hề gián đoạn, tôi ở Đài Trung thân cận với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam được 10 năm. Đã xây vững chắc nền tảng của sự tu học. Sau khi rời khỏi Đài Trung, đến lúc tôi như lâm vào bước đường cùng, thì nhân duyên với Hàn Quán Trưởng đã xuất hiện. Bà đã hộ trị tôi 30 năm, để cho tôi giảng kinh dạy học không gián đoạn. 17 năm đầu tiên thật là vô vàn gian khổ. Hàn Quán Trưởng sắp xếp lo liệu thuê chỗ giảng, mượn địa điểm. Chúng tôi giống như đánh du kích vậy, cứ luôn luôn thay đổi chỗ. Tín chúng đại khái có được 30-40 người, đều là bạn bè của bà, được bà mời đến. Sau đó, thính chúng càng ngày càng nhiều. Cho đến năm 1979 mới có được chút tài lực mỏng manh, xây dựng 1 đạo tràng nhỏ 270 mét vuông ở Cảnh Mỹ. Chúng tôi lúc đó mới có chỗ giảng kinh của mình. Đó chính là Thư viện Nghe-Nhìn Hoa Tạng Phật Giáo. Vì sao Hàn Quán Trưởng thành lập Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội tại Thư viện? Sau khi bà vãng sanh, Học Hội ở Cảnh Mỹ được dời về đường Tín Nghĩa do Pháp Sư Ngộ Đạo chủ trì hoạt động, đến hôm nay Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội đã thành lập được 30 năm rồi. Tôi giảng kinh cũng được 60 năm rồi. Chúng tôi lợi dụng vệ tinh, đường truyền internet, dùng phương thức hiện đại của khoa học kỹ thuật, đem giáo dục Phật Đà truyền đến cho các đồng tu có duyên trên toàn thế giới.
Những việc mà một đời này tôi đã làm, các bạn đều biết rồi. Tôi đã ba lần nhẫn nhường. Nhưng chúng tôi càng nhường thì càng thù thắng, càng nhường càng tự tại, càng nhường càng hoan hỷ. Lão Tổ Tiên, Phật, Bồ-tát dạy chúng ta phải nhẫn nhường. Trong sự nhẫn nhường có niềm an lạc vô cùng vô tận. Không có người biết được việc này. Nếu bạn có thể y giáo phụng hành thì bạn sẽ thưởng thức được điều đó. Bạn có thể nhường, thì mới có thể cùng chung sống hòa mục với tất cả chúng sanh. Nếu bạn không thể nhường thì sự hòa thuận đó là giả, không phải là thật. Nhất định phải có thể nhẫn nhường. Người khác chiếm lấy, chiếm lấy rồi chúng ta cũng phải cảm ân. Vì sao cảm ân? Chính mình có thể nhường thì cảnh giới nâng cao lên một bậc, đức hạnh được nâng cao, trí huệ cũng được tăng trưởng…Vì sao lại không cảm ơn được chứ! Đồng thời đối phương cũng ở nơi đó mà thị hiện ra cho chúng ta, thị hiện mặt tốt lẫn mặt không tốt. Đối với mặt tốt, chúng ta cần phải đãnh lễ, phải cung kính cúng dường. Nếu như họ chiếm hữu tài vật để hoằng pháp lợi sanh, họ làm tốt hơn chúng ta thì sao chúng ta lại không thể nhường cho họ chứ. Việc nhường này là đại đức. Nếu như họ thị hiện mặt xấu, họ không phải là hoằng pháp lợi sanh mà làm chuyện danh văn lợi dưỡng, thì họ đang biểu diễn ra nghiệp nhân quả báo cho chúng ta xem. Chúng ta cũng cần cảm ân, giống như họ đang diễn kịch. Vai phản diện họ diễn rất tốt, rất giống như thật. Những hạnh nghiệp bất thiện của họ, về sau sẽ là quả báo ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Việc này đối với chúng ta, đối với tất cả đại chúng trong xã hội, đó là điều gì? Là lên lớp học một khóa học về nhân quả báo ứng. Nếu dụng tâm quán sát, thì sẽ hiểu rõ, sẽ đoạn trừ tất cả ý niệm bất thiện trong tâm, sẽ không dám làm. Giống như năm xưa, Phật còn tại thế, có Đề-bà- đạt-đa đã biểu diễn. Đều là Bồ-tát, đều là đại thiện tri thức. Ngài biểu diễn ra vai phản diện cho chúng ta xem, còn Thích Ca Mâu Ni Phật biểu diễn vai chính diện cho chúng ta xem. Chúng ta có thể nói Đề-bà-đạt-đa chẳng phải là Phật, Bồ-tát được sao? Cho nên người người đều là người tốt, việc việc đều là việc tốt. Đó chính là câu nói của Ngẫu Ích Đại Sư, “cảnh duyên không tốt xấu”. “Cảnh” là hoàn cảnh vật chất, “duyên” là hoàn cảnh nhân sự. Hoàn cảnh vật chất và hoàn cảnh nhân sự không có đúng-sai, tà-chánh, tuyệt đối không có. Đúng-sai, tà-chánh là ý niệm của chính chúng ta. Nếu ý niệm của chính mình chánh, thì không có gì là không chánh. Tà cũng là chánh. Nếu ý niệm của chúng ta bất chánh, thì chánh cũng biến thành tà. Sau khi hiểu rõ rồi, thì chính mình mới biết, từ tu nhân cho đến chứng quả, hoàn toàn đều do chính mình chịu trách nhiệm, không có liên quan đến người khác. Đây chính là căn bản nền tảng để đối trị cái khổ bằng bi-trí của Phật, Bồ-tát. Chúng ta thông qua điều này mà học tập thì sẽ chân thật thể hội được. Bạn sẽ chân thật lìa khổ được vui. Vĩnh viễn lìa khổ, vĩnh viễn được an vui. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn đều được hoan hỷ, đều được tự tại.
Một đời này của tôi, không có đạo tràng. Không ngờ đến lúc về già, 90 tuổi, Tổ chức UNESCO tại trụ sở Paris, đã thiết lập một văn phòng làm việc. Đây thật là Tam Bảo gia trì, Tổ Tiên phù hộ. Tôi hy vọng thông qua nơi này, giúp đỡ việc đoàn kết tôn giáo trên thế giới. Dẫn dắt tôn giáo quay trở về với giáo dục, thúc đẩy phong khí giảng kinh – dạy học của các tôn giáo lớn. Việc này vô cùng có ý nghĩa, hết sức quan trọng. Tôn giáo là luân lý, đạo đức, nhân quả, cho đến giáo dục trí huệ của Thánh Hiền. Loại giáo dục này ở phương Tây gọi là tôn giáo, tại phương Đông gọi là Nho-Thích-Đạo. Đây là sự giáo dục quan trọng nhất của nhân loại. Chỉ cần Tây phương tìm về với tôn giáo, Đông phương tìm về với Nho-Thích- Đạo, thì thế giới này sẽ được hòa bình, tai nạn sẽ có thể được hóa giải.
Tại Liên Hiệp Quốc, tôi còn có một sứ mạng, là sứ mạng quan trọng, đó là việc đem lý niệm giáo dục, phương pháp giáo dục, thành quả giáo dục, cho đến kinh nghiệm lịch sử của việc tu thân – tề gia – trị quốc – bình thiên hạ trong 5000 năm qua, giới thiệu cho các vị Đại sứ của các Quốc gia. Văn minh nhân loại muốn chân thật đạt được hài hòa, thịnh thế dài lâu, nhất định phải cần đến văn hóa truyền thống của dân tộc. Mà hạt nhân quý báu nhất của văn hóa đó chính là sự giáo dục của nó. 5000 năm lịch sử huy hoàng, đều dựa vào sự giáo dục của Tổ Tiên chúng ta. Nếu như nền giáo dục này có thể được phục hưng, thì đất nước sẽ được cứu, thế giới được cứu rồi. Di sản văn hóa quý báu này, thuộc về toàn thể nhân loại. Đây là việc tốt, là việc lớn.
Quay đầu nhìn lại, con đường này, đều là nhờ Chư Phật, Bồ-tát bảo hộ cho tôi. Vì sao các Ngài lại phù hộ tôi? Cả một đời tôi không hề có quan niệm vì chính mình. Tôi chỉ thuần nhất một niệm chân thành, nên sự cảm ứng hết sức rõ ràng, vô cùng là rõ rệt. Tôi ở nơi đây làm chứng minh cho chư vị. Tín tâm này của tôi có được là nhờ sự dạy dỗ của Thầy. Cho nên đối với Thầy, tôi có tín tâm kiên định, không thay đổi, không hoài nghi. Những lời Thầy dạy tôi đều y giáo phụng hành. Từ việc thực hành tôi kiểm nghiệm được, lời dạy của Thầy là chân thật, không phải là giả, tôi mới đạt được thọ dụng chân thật. Một đời này của tôi, quả thật giống như lời của Thầy Phương Đông Mỹ đã nói, tôi có được sự hưởng thụ cao nhất của đời người. Tôi học Phật hơn 60 năm, nhận thức được chân tướng của vũ trụ nhân sanh, trong tâm không có ưu tư, không có việc gì mà không buông xuống được. Chân thật đạt được thanh tịnh, pháp hỷ tự tại. Cho nên, nếu như các bạn biết tôi đã làm việc gì, thì các bạn đi theo con đường này của tôi, sẽ không thất bại, có Phật bảo hộ, có được Tổ Tiên phù hộ.
Bàn về việc tu học của Tịnh Tông, lý niệm tu học của chúng ta là nhất môn thâm nhập trường kỳ huân tu. Còn phương pháp thì là đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự hiểu. Nhân giới đắc định, nhân định khai huệ. Chúng ta hãy đi trên con đường này của người xưa. Hơn 30 năm về trước, khi tôi còn hoằng pháp ở nước ngoài, đã viết cho Tịnh Tông Học Hội một đoạn duyên khởi, trong đó nêu ra 5 khoa mục tu học của Tịnh Tông. 5 khoa mục đó là:
Thứ nhất, Tịnh nghiệp Tam phước
Thứ hai, Lục hòa kính
Thứ ba, Giới-định-huệ tam học
Thứ tư, Lục Ba-la-mật
Thứ năm, Phổ Hiền Bồ-tát Thập đại Nguyện vương
5 khoa mục này, là giới luật của Tịnh Tông. Trong 5 khoa mục, thì căn bản là Tịnh nghiệp Tam phước. Phật trên kinh điển nói với chúng ta, Tịnh nghiệp Tam phước là tịnh nghiệp chánh nhân của Tam Thế Chư Phật. Điều này chính là nói hết thảy phàm phu và Bồ-tát trong quá khứ, hiện tại và vị lai, tu hành thành Phật, đều phải dựa trên 3 điều này. Vì vậy Tam Phước, là nguyên tắc chỉ đạo tối cao của sự tu học Tịnh Tông của chúng ta. Trong đó phần căn bản nhất chính là hai câu đầu tiên “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Đó chính là hiếu thân tôn sư, là căn bản của Phật Pháp, cũng là căn gốc của 5000 năm văn hóa dân tộc. Nếu không đủ những điều kiện này, thì không thể vãng sanh Tịnh Độ rồi. Chúng ta làm thế nào để thực hiện hiếu thân tôn sư? Trước tiên phải đem “hiếu” và “đễ” trong Đệ Tử Quy ra, thực hiện ngay trong cuộc sống thường ngày. Quan tâm yêu thương cha mẹ, hữu ái với anh em, tôn kính trưởng bối. Đây là nền tảng, tiến thêm bước nữa chúng ta nỗ lực thực hiện hai câu phía sau là “Từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Chúng ta thực hiện từ tâm bất sát thông qua Cảm Ứng Thiên. Thực hành Tu thập thiện nghiệp theo kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
Chúng ta thực hành 5 khoa mục đức hạnh này vào trong đời sống hằng ngày, thì đó gọi là thương mình, thương cái bổn tánh vốn thiện của mình, thương cái tự tánh vốn giác của chính mình. Đến lúc đó, đối với chân tướng của Lục đạo luân hồi, chân tướng của Thế Giới Cực Lạc bạn đều rõ ràng, thấu suốt. Khẳng định đây là sự thật, không phải là giả. Chúng ta muốn đi, thì sẽ đi được. Yêu thương mình, sau đó tự nhiên sẽ yêu thương người. Chúng ta cũng giúp mọi người cùng nhau đi. Đây gọi là tự độ – độ tha. Bạn sẽ khoan hoằng đại lượng, buông xuống hết thảy, tâm đại từ bi sẽ xuất hiện, cùng với Chư Phật Như Lai là như nhau, khởi tâm động niệm là cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn. Nếu như vẫn còn có thứ không xã bỏ được, còn có oan thân trái chủ không thể buông bỏ, như vậy là không đắc lực. Thế phải luân hồi trong 6 nẻo như cũ rồi. Khi còn chưa đến Thế Giới Cực Lạc, thì mỗi một bước chân đều phải hết sức cẩn thận, không được kết oán với hết thảy chúng sanh. Như vậy trên đường Bồ-đề sẽ ít có chướng ngại. Phải vui vẻ mà chung sống với người khác. Học đức khiêm hạ. Không phải khiêm tốn, mà phải khiêm hạ, vì người phục vụ. Bồ-tát thay tất cả chúng sanh chịu khổ, chịu nạn. Hết thảy Pháp, đều phải từ chính mình mà làm, thì mới có thể cảm hóa được người khác. Chúng ta hy vọng người khác đối với chúng ta như thế nào, thì trước tiên chúng ta phải đối với người như thế đó, không được cầu báo đáp. Người khác đối với ta không công bằng, ta vẫn đối với họ công bằng. Như vậy mới có thể đem tâm luân hồi, từ từ chuyển thành tâm đại Bồ-đề. Tâm chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chánh giác – từ bi. Khởi tâm động niệm, đều tương ưng với những tâm này. Không có giờ khắc nào làm trái ngược với những tâm này, như vậy là đúng. Chúng ta luôn luôn phải ghi nhớ, Thế Giới Cực Lạc là quê nhà của chúng ta. Tây Phương Tam Thánh là chỗ nương tựa của chúng ta. Chúng ta ở thế gian này, công đức viên mãn rồi, A Di Đà Phật sẽ đến tiếp dẫn chúng ta đi về nhà, về Thế Giới Cực Lạc. Sự hưởng thụ cao nhất của sanh mạng, chúng ta đã chân thật đạt được rồi. Sau cùng, Tịnh Không tôi tại nơi đây, chúc phúc cho hoạt động của Học Hội lần này được thuận lợi viên mãn. Chúc phúc chư vị Pháp Sư, chư vị Đại Đức, chư vị đồng tu tham dự đại hội, thân tâm an khang, phước huệ tăng trưởng, tịnh mãn viên thành, quang thọ vô lượng. Xin cảm ơn mọi người!